HỘI THI BÍ THƯ CHI ĐOÀN GIỎI NĂM 2024
ĐĂNG KÝ THAM DỰ HỘI THI
THỂ HỆ HỘI THI
VÒNG LOẠI
Vòng loại của hội thi Bí thư Chi đoàn giỏi gồm 2 phần thi cụ thể sau:
1. Phần thi “Hành trang Bí thư Chi đoàn”:
a. Hình thức: Thi trắc nghiệm kiến thức và trả lời ngắn.
b. Thời gian: 30 phút.
c. Nội dung: Tập trung vào các kiến thức cơ bản sau:
- Truyền thống lịch sử đất nước, địa phương, đơn vị; lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử, truyền thống tổ chức Đoàn, Hội; kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2024.
- Chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
- Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Điều lệ Đoàn, Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XII; công tác đoàn viên và quản lý đoàn viên, một số tình huống thường gặp trong công tác Đoàn.
- Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đoàn trường Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM nhiệm kỳ XIX (2022 - 2024); Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2023 - 2024; Nội dung hoạt động Tháng Thanh niên năm 2024.
- Các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế.
2. Phần thi “Kỹ năng thủ lĩnh”:
a. Hình thức: Các thí sinh sẽ được chia thành các nhóm 2-3 thí sinh theo từng khoa. Mỗi nhóm sẽ chọn một hoạt động tiêu biểu nhất của Đoàn-Hội cấp khoa hoặc lớp và thực hiện một video giới thiệu hoạt động. Sau khi tham gia các hoạt động này, cán bộ đoàn rèn luyện được phong cách cán bộ đoàn nào trong 8 phong cách cán bộ đoàn Thành phố Hồ Chí Minh: Gương mẫu; trách nhiệm; năng động; sáng tạo; dám nghĩ, biết làm; gần gũi, gắn bó mật thiết với thanh niên; ham học hỏi; có kỹ năng phù hợp. Điểm của phần thi sẽ được quy đổi từ điểm chấm của ban giám khảo (70%) và số lượt tương tác trên mạng xã hội (30%).
b. Thời gian: Sản phẩm video tối đa 2-3 phút cho mỗi nhóm thí sinh.
c. Nội dung: Mỗi nhóm có thời gian 5-7 ngày để thực hiện:
- Làm một sản phẩm video truyền thông ngắn giới thiệu về một hoạt động tiêu biểu nhất của Đoàn-Hội cấp khoa hoặc lớp gắn với phong cách cán bộ đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và kèm theo một bài viết tối đa 200 từ mô tả về hoạt động.
Điểm của vòng loại là điểm cộng của phần thi “Hành trang Bí thư chi đoàn” và phần thi “Kỹ năng thủ lĩnh”. Sau khi kết thúc 2 phần thi của vòng loại, ban tổ chức chọn 30 thí sinh có điểm cao tiếp tục tham gia vòng bán kết.
VÒNG BÁN KẾT
Vòng bán kết của Hội thi Bí thư Chi đoàn giỏi sẽ diễn ra sau khi kết thúc vòng loại khoảng 1 tuần, gồm 2 phần thi cụ thể sau:
1. Phần thi “Bí thư Chi đoàn thông thái”:
a. Hình thức: Thí sinh có một khoảng thời gian nhất định để lên ý tưởng xây dựng một chương trình, kế hoạch, dự án hoặc đưa ra một mô hình, giải pháp theo chủ đề chọn được. Phạm vi triển khai, thực hiện là tại Chi đoàn, Đoàn khoa hoặc Đoàn trường. Thí sinh sẽ trình bày nội dung thực hiện trước ban giám khảo.
b. Thời gian: Thời gian trình bày tối đa là 3 phút cho mỗi thí sinh.
Lưu ý: Ban Tổ chức sẽ gợi ý các lĩnh vực sau khi kết thúc vòng loại, thí sinh được chọn chủ đề để nghiên cứu trước.
2. Phần thi “Kiến thức Bí thư Chi đoàn”:
a. Hình thức: Thí sinh tiếp tục tham gia phần thi thứ hai. Thí sinh sẽ trả lời câu hỏi từ ban tổ chức bằng hình thức trắc nghiệm, thí sinh trả lời sai sẽ không được tiếp tục trả lời câu hỏi tiếp theo.
b. Thời gian: Hết gói câu hỏi.
Điểm của vòng bán kết là điểm cộng của phần thi “Bí thư Chi đoàn thông thái” và phần thi “Kiến thức Bí thư Chi đoàn”. Sau khi kết thúc 2 phần thi của vòng bán kết, ban giám khảo sẽ chọn ra 9 thí sinh có tổng điểm cao nhất để tham gia vòng chung kết của hội thi.
VÒNG CHUNG KẾT
Vòng chung kết của Hội thi Bí thư Chi đoàn giỏi sẽ diễn ra sau khi kết thúc vòng bán kết 1 tuần, gồm 3 phần thi cụ thể sau:
1. Phần thi “Thử thách”:
a. Hình thức: Các thí sinh vào vòng chung kết sẽ tham gia phần thi thử thách kiến thức bằng hình thức giơ bảng trả lời câu hỏi, mỗi lượt sẽ có 3 thí sinh thi đấu với nhau, có tổng số 20 câu hỏi.
b. Nội dung: Kiến thức lịch sử, xã hội, Nhà trường và tổ chức Đoàn, Hội.
Sau phần thi “Thử thách”, ban tổ chức sẽ chọn ra 6 thí sinh có số điểm cao nhất vào phần thi tiếp theo.
2. Phần thi “Thách đấu”:
a. Hình thức: Các thí sinh vượt qua phần thi “Thử thách” sẽ được chia thành 3 cặp thi đối kháng, ứng với mỗi cặp là một chủ đề khác nhau. Hai thí sinh trong cùng một cặp sẽ thi hùng biện với quan điểm đối nghịch nhau. Sau khi bốc thăm, các cặp có thời gian 5 phút để chuẩn bị, thứ tự trình bày theo thứ tự đã bốc thăm.
b. Nội dung: Một vấn đề, một hiện tượng xã hội đang quan tâm.
Sau phần thi “Thách đấu”, ban tổ chức sẽ chọn ra 1 thí sinh ở mỗi cặp vào phần thi tiếp theo.
Lưu ý: Chủ đề sẽ được ban tổ chức công bố khi kết thúc phần thi thử thách.
3. Phần thi “Khẳng định”:
a. Hình thức: Các thí sinh vượt qua phần thi “Thách đấu” lần lượt sẽ trả lời gói câu hỏi trong thời gian quy định. Mỗi gói câu hỏi gồm có 2 câu hỏi 10 điểm, 1 câu hỏi 20 điểm và 1 câu hỏi 30 điểm. Trước mỗi câu hỏi, thí sinh có quyền đặt ngôi sao hy vọng để nhân đôi số điểm cho câu hỏi đó.
b Thời gian: 2 phút.
c. Nội dung: Kiến thức lịch sử, xã hội, Nhà trường và tổ chức Đoàn, Hội.
Sau phần thi “Khẳng định”, thứ hạng của thí sinh sẽ được tính bằng điểm tổng kết ở phần thi này.
LƯU Ý
- Ban giám khảo, ban tổ chức cuộc thi là người quyết định cuối cùng khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn trong quá trình dự thi.
- Thời gian tổ chức cuộc thi có thể diễn ra sớm, hoặc muộn hơn dựa vào tình hình thực tế và sự đồng tình của đa số thí sinh (quá 50%).